Sàn giao dịch kim loại London – nhân tố dẫn dắt thị trường đồng thế giới

Là nơi kết nối những “ông lớn” hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp và tài chính. Là địa chỉ tham chiếu giá đồng của hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên hành tinh. Sàn giao dịch kim loại London luôn được xem là nhân tố có vai trò chi phối thị trường đồng nói riêng và thị trường kim loại nói chung.

I. Sàn giao dịch kim loại có thanh khoản cao nhất thế giới

LME (The London Metal Exchange) hay sàn giao dịch kim loại London ra đời vào năm 1877 tại London, Vương quốc Anh. Hiện nay, trụ sở chính của LME được đặt tại số 10, quảng trường Finsbury.

Không chỉ là trung tâm giao dịch có tuổi đời “lão làng”, sàn giao dịch kim loại London còn là địa chỉ giao dịch lớn nhất thế giới về hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai đối với hầu hết kim loại. Ngoài ra, đây cũng là nơi phát sinh phần lớn hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn cho kim loại và hợp kim không chứa sắt.

Thời điểm ban đầu, chỉ có đồng được giao dịch tại LME. Đến năm 1920, chì và kẽm lần lượt góp mặt vào danh sách.Từ thập kỷ 70 trở đi, số lượng kim loại giao dịch tại LME tăng dần đều: nhôm (1978), niken (1979), thiếc (1989), hợp kim nhôm (1992), thép (2008), coban và molypden (2010), …

tim hieu san giao dich kim loai london

Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London được coi là giá tham chiếu cho thị trường đồng thế giới

Với khả năng cung cấp mức giá tham chiếu và quyền chọn giao hàng để tất toán hợp đồng, LME mang đến cơ hội phòng vệ rủi ro trước những nguy cơ biến động giá cả cho mọi đối tượng tham gia.

Cũng bởi vậy, các đối tượng tham gia giao dịch trên LME thường có 2 mục đích:

  • Thứ nhất, phòng vệ (chuyển giao rủi ro): Các yêu cầu về phòng vệ rủi ro sẽ được người mua (hoặc người bán) kim loại đề ra dựa trên quy trình sản xuất hoặc mua hàng của họ. Bên cạnh đó, người mua (hoặc người bán) cũng có cơ hội cố định giao dịch bán khi giá bán cao (hoặc giao dịch mua khi giá mua thấp).
  • Thứ hai, đầu tư (chấp nhận rủi ro): Các nhà đầu tư, giao dịch viên tài chính thường coi số liệu từ LME như những chỉ báo đáng tin cậy về xu hướng thị trường. Ngoài ra, với tính thanh khoản cao, LME luôn là địa chỉ đầu tư được ưu ái lựa chọn. 

II. Điều gì xảy ra khi LME không có đủ đồng để cung cấp cho thị trường

Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cần làm rõ khái niệm “hợp đồng tương lai”. Đây là dạng thỏa thuận đặc biệt, trong đó quyền sở hữu tài sản được chuyển giao kể từ một thời điểm xác định trong tương lai. Hiểu đơn giản, khi bạn nắm giữ hợp đồng tương lai, bạn sẽ trở thành chủ của một khối kim loại trong nhà kho LME nếu không sang nhượng hợp đồng cho người khác trước ngày đáo hạn.

Vốn là sàn giao dịch chủ lực với số lượng hợp đồng tương lai lớn nhất thế giới, LME đang vật lộn với nguy cơ không có sẵn đồng để cung cấp. Cuối năm 2021, trữ lượng đồng tồn kho của LME đã giảm xuống dưới 20.000 tấn, thậm chí còn thấp hơn lượng tiêu thụ của các nhà máy ở Trung Quốc trong một ngày. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng đồng chuyển tới kho dự trữ của LME nhỏ giọt. Các nhà sản xuất đồng tấm và nhóm môi giới có xu hướng chủ động tiếp cận người sử dụng đồng, sau đó, đề nghị hợp tác lâu dài. Bởi thế, nguồn cung cấp từ sàn giao dịch trở nên mất vị thế.

Đáng nói, bối cảnh hiện tại được đánh giá là tình huống bất lợi cho nhiều đối tượng có liên quan. Tình trạng sụt giảm đã gây ra khó khăn cho những nhà đầu tư có xu hướng bán hợp đồng tương lai để phòng hộ rủi ro sụt giảm giá. Trong khi đó, với nhóm tiêu thụ bao gồm các đơn vị chế xuất, xây dựng, …, lượng dự trữ thấp lại đẩy giá hợp đồng tương lai lên mức kỷ lục, dẫn đến nguy cơ lạm phát diện rộng.

tim hieu san giao dich kim loai london

Sàn giao dịch kim loại London đang nỗ lực can thiệp để ổn định lại thị trường đồng thế giới

LME đã yêu cầu hàng loạt nhà sản xuất đồng tấm và môi giới viên cung cấp thông tin về các giao dịch của họ cũng như khách hàng trong 2 tháng. Cuộc điều tra đã đánh động tới những đơn vị/cá nhân đang tìm cách “đi tắt, dẫn đầu”.

Ngoài ra, để tránh tình trạng khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát. LME còn đưa ra một số biện pháp khẩn cấp. Đáng chú ý nhất là quy tắc cho phép người bán trì hoãn nghĩa vụ giao hàng với một khoản phí nhất định.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên LME can thiệp tới thị trường kim loại nhằm mục đích bình ổn giá cả. Trước đó, sàn giao dịch này đã lần lượt áp đặt các biện pháp cứng rắn nhằm mục đích bình ổn giá cả kẽm và niken vào các năm 1992, 2006 và 2019.

Tương tự như các kim loại khác, thị trường đồng chịu ảnh hưởng từ mọi biến động chính trị, xã hội trên thế giới. Tình trạng giá cả leo thang hoặc sụt giảm mất kiểm soát có thể tạo ra “hiệu ứng domino” với chuỗi khủng hoảng dây chuyền cho nhiều ngành công nghiệp, sản xuất. Sự tồn tại của sàn giao dịch kim loại London chính là giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất tới thời điểm hiện tại. Không chỉ là nguồn cung cấp, LME còn giữ vai trò cán cân giá cả, giúp thị trường đồng nói riêng và thị trường kim loại nói chung duy trì trạng thái cân bằng tương đối.

Share

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *